Chuột trở thành một loại dịch hại gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp

Trong những năm gần đây, chuột trở thành một loại dịch hại gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp, chúng sinh sản ngày càng nhiều. Giờ đây chuột không sợ mèo, thậm chí còn không sợ người…

Đâu là nguyên nhân? Xung quanh vấn đề này VTC có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Vương, Giám đốc Trung tâm chăn nuôi động vật thí nghiệm, Bệnh viện Dịch tể Trung ương, người có hơn 20 năm gắn bó với loài gặp nhấm này.

Chuột tăng mạnh một phần là do con người

Có ý kiến cho rằng, bây giờ chuột sinh sản nhanh hơn ngày xưa. Theo bà ý kiến đó có đúng không?

Theo tôi không phải như thế. Chuột sinh sản theo chu kỳ như tôi nói ở trên. Trong thế giới sinh vật tự nhiên, một số loài chim, thú, rắn rất ham săn bắt chuột. Thịt chuột là thức ăn của mèo, chim cú , đại bàng, rắn....

Hiện nay các loài vật ấy suy giảm nhiều. Số lượng chuột bị diệt bởi những kẻ thù tự nhiên, theo quy luật cân bằng sinh thái từ muôn đời nay, giờ đây là không đáng kể. Chính con người tự gây khó khăn lớn cho mình. Bằng hành động phá rừng, bắn giết động vật rừng, săn bắt chim thú, gây ô nhiễm môi trường... đó mới là nguyên nhân.

Một thực tế là giờ đây chuột “lì” đến mức độ, không sợ mèo, thậm chí còn không sợ người?

Giờ đây mình nuôi mèo như để làm cảnh trong nhà. Mèo ngày trước, khi đói phải tự kiếm ăn, tự săn chuột, còn giờ đây mèo được con người chăm như của quý thì làm sao mà bắt chuột được.

Có thông tin cho rằng thuốc diệt chuột bây giờ không diệt được chuột mà ngược lại còn "giúp" chuột sinh sản rất nhanh, là người nghiên cứu về chuột lâu năm, bà đánh giá ý kiến trên như thế nào?

Nó cũng như con người, dùng kháng sinh nhiều sẽ nhờn thuốc. Có lần tôi cũng mua thuốc về để đánh chuột, theo chỉ dẫn thì chỉ một viên có thể diệt được chuột, nhưng mình dùng đến ba viên thì chuột mới chết. Hàm lượng thì mình không hiểu lắm, cái đó chỉ có nhà sản xuất thôi.

Sinh sản “siêu tốc”

Là người gắn bó lâu năm với loài gặm nhấm, bà có thể cho biết chu kỳ sinh sản của chúng?

Từ khi nó sinh ra cho đến khi nó có thể sinh sản được chỉ mất khoảng từ 6 - 8 tuần. Mỗi lần chửa chỉ khoảng 18-20 ngày là đẻ, mỗi lần đẻ trung bình một có từ 13 - 15 con cứ thế nên chuột có thể lan rất nhanh.

Sự sinh sản của chuột đúng là “siêu tốc”, vậy theo bà nó sẽ gây tác hại gì đối với con người?

Chuột ở trung tâm chúng tôi nuôi nên có thể kiểm soát được dịch bệnh, còn chuột ở bên ngoài, nó có thể gây dịch hạch ngoài ra nó còn là nguồn để muỗi phát triển…
Bà Vũ Thị Vương; "Muốn diệt được chuột cần phải làm đồng loạt"

Không những thế loài này phá hại mùa màng thì chắc ai cũng nhìn ra rồi. Theo thống kê từ năm 1995, diện tích cây trồng bị thiệt hại do chuột là 245.000 ha, 1997 là 375.000 ha, đến năm 2000 là 236.500 ha. Nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng cho công tác phòng trừ chuột.

Họ nhà chuột trên khắp hành tinh chúng ta hết sức đông đảo, đa dạng. Các nhà sinh học và nông học đã ước tính chúng có khoảng 450 loại, bao gồm trên 20 họ. Ở nước ta, chúng đã có hàng trăm loại, hàng chục họ khác nhau.

Chuột thuộc loài động vật có vú, bộ gặm nhấm. Chúng không chỉ đa chủng loại mà số lượng lại rất lớn, dễ thích nghi với mọi điều kiện tự nhiên nên sự phân bố “cư dân" rất rộng lớn, dường như không ở đâu là không có chuột.

Theo bà thì làm cách nào để có thể hạn chế được loài gặm nhấm này sinh trưởng?

Nói là diệt được chuột thì rất khó. Theo tôi, nếu ở đô thị thì mình có thể ra ngoài khép cửa, những điểm trống thì mình có thể làm lưới để ngăn chúng lại.  Cũng có thể diệt chuột bằng thuốc vi sinh, keo dính, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt…

Còn với mùa màng thì đúng là cả vấn đề. Có thể làm những tấm ni lông che lấy thôi, nhưng cách đó cũng không khả thi lắm. Còn khi nó đã vào và nó cặp đôi được với nhau thì chúng sinh sôi rất nhanh.

Theo bà ngoài dùng thuốc, bẫy ra thì mình nên làm gì để có thể hạn chế chuột sinh sản?

Theo tôi, chúng ta nên triển khai đồng loạt bằng những hình thức tôi nói trên, có thế thì mới hạn chế được loài gặm nhấm này. Còn nếu mình cứ triển khai rải rác thì tôi nghĩ sẽ không có tác dụng. Chỗ này làm một tí, thì chuột lại chạy qua chỗ khác, một thời gian sau chúng lại quay lại, với tốc độ tăng trưởng nhanh thì khó có thể hạn chế được.