Tìm hiểu chuột trong cuộc sống hàng ngày năm 2015

Chuột hiện diện mọi nơi

Từ nhà ra đồng, ở đâu ta cũng có thể thể thấy bóng dáng của chuột. Chuột hiện diện trước mắt "bằng xương bằng thịt" hoặc để lại dấu vết trên đường di chuyển trên ruộng lúa, luống khoai hay những mảng hoa màu bị "càn phá". Đêm đêm, bạn có thể thấy chuột chạy róc rách trong những ống tre trên mái nhà, tiếng "chí chóe" của những chú chuột nhắt khi va chạm, tranh giành thức ăn hay biểu lộ tình cảm với nhau.

Chuột có thể chạy và trèo nhanh

Chuột có thể chạy và trèo nhanh thoăn thoắt trên các kèo nhà, đôi khi "vô ý sẩy chân" bị rơi xuống đất nhưng rất nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh để chạy trốn trước khi bị chủ nhà hay những chú mèo tóm được. Ta hay gọi là bầy chuột, lũ chuột vì thực tế chuột ít khi sống đơn lẻ, làm gì cũng thường có bạn. Chuột tồn tại cùng với người và là những kẻ "hội sinh", những vị khách không mời mà đến, những khách hàng không bao giờ trả tiền cho việc tiêu thu lương thực, hoa màu của những người nông dân. Chuột cũng là những nhà tiêu dùng khá sành sỏi và thông thái vì thường chọn lấy những "sản phẩm" tốt nhất để dùng trước khi thức ăn còn thừa mứa. Chuột thường dùng trước những củ khoai to, những bắp ngô béo tròn v.v trong khu ruộng ...!

Chuột ăn chộm nông sản

Lúa, ngô, khoai được đem về thì đã có chuột nhà (và thậm chí chuột ngoài nhà cũng về theo). Không những ăn trộm lương thực thực phẩm của người, chuột còn tấn công các vật dụng bằng nhựa, bằng vải, bằng mây, tre v.v. Không phải là chuột ăn được tất cả mọi thứ mà làm như thế để hãm răng cửa khỏi dài quá mức.

Không chỉ ở nông thôn, chuột cũng "ra thành thị" và ở mọi ngõ ngách phố phường. Thành phố nhiều đèn điện cũng chẳng làm chuột bận tâm (mặc dù chuột hoạt động nhiều hơn trong bóng tối).

Chuột là món nhậu

"Ăn của người thì có thể bị người ăn!", người dân ở một số nơi trên thế giới ăn thịt chuột. Tại khu vực Đông nam á (trong đó có Việt Nam) chuột cũng được dùng làm thức ăn. Tại Ghana, thịt chuột còn được coi là nguồn thực phẩm quan trọng. Đối với những người theo đạo hồi, đạo do thái và một số người theo đạo Hin-đu thì ăn thịt chuột là một điều cấm kỵ. Ở nước ta, ăn thịt chuột đồng không phải là chuyện hiếm. Về các vùng quê ta có thể gặp những thợ chuyên bắt chuột về làm thịt để bán hay bán chuột sống cho các nhà hàng. Nhiều người sợ chuột và sợ cả thịt chuột. Không ít người cho rằng ăn thịt chuột không được sạch sẽ nhưng thử tưởng tượng đến những chú chuột đồng béo tròn bị "tóm" trong vụ các vụ gặt, được lột da, chần nước sôi, tẩm gia vị rồi quay vàng... Cũng hấp dẫn đấy chứ!

Những chú chuột nhà thì nổi tiếng ở tài chạy trốn và thông minh. Để lừa được một chú chuột sập bẫy cũng không phải dễ. Đám cưới chuột với những chú chuột khiêng cá làm lễ vật cho mèo để tránh "đàn áp" được thể hiện trên tranh dân gian Đông Hồ, càng ngắm càng thấy hài hước và thâm thúy!

Đám cưới chuột

"Ngựa anh đi trước kiệu nàng theo sau" nhưng rõ ràng đây là một đám cưới lén lút vì tất cả các thành viên đều sợ sệt, bất an. Chú rể trên mình ngựa muốn nhắc nhở cả đoàn nhanh chân còn cô dâu trong kiệu cũng nhấp nhổm không yên.... Không khí tưng bừng dồn cả vào đám rước lễ vật (có điểu, có ngư) dâng "ngài" Mèo mang bộ mặt Hổ. Có phải hai bên họ hàng, bẹn bè xa gần của đôi uyên ương muốn đánh lạc hướng Mèo? Có thể đúng như vậy. Nhưng chắc chắn rằng bức tranh dân gian Đông Hồ này đang kể câu chuyện dài về xã hội, về tự nhiên

Cũng với ý nghĩa như vậy, chuột được đưa vào đồng giao:

Con Mèo trèo lên ngọn cau

Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chuột còn đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú Mèo.

Chuột được nhắc đến đầu tiên trong mười hai con giáp nhưng không rõ biểu tượng chuột trong 12 con giáp là Chuột, Chuột nhắt hay cả hai?

Hình ảnh của chuột

Vì quá quen thuộc với mọi người nên hình ảnh của chuột được dùng để ví von: Khi không còn đường thoát người ta nói "Chuột chạy cùng sào"; tình trạng không gọn gàng sạch sẽ được ví như "ổ chuột"; những khu nhà ẩm thấp với tình trạng vệ sinh kém được mô tả bằng cụm từ "khu nhà ổ chuột"; bị ướt từ đầu xuống chân lại cho là "ướt như chuột lột". Đặc biệt, khi kết quả thực hiện một chương trình, một kế hoạch hay một công việc chẳng được bao nhiêu so với dự tính ban đầu hoặc chỉ thực hiện nửa chừng rồi bỏ thì người ta sẽ nói "đầu voi đuôi chuột"; ai đẻ nhiều, đẻ dày lại dễ đẻ sẽ được cho là đẻ nhiều như chuột và đẻ dễ như gà ...

Mặc dù vậy, không phải lúc nào Chuột cũng đi cùng với những điều không tốt, không may mắn vì còn có những câu ví von như "Chuột sa chĩnh gạo" để nói về những người gặp những điều rất thuận lợi (hơn cả may mắn nữa đấy!). Có ai đã từng nghe những câu chuyện đại loại như: "Anh A lấy con gái ông B, về làm ở cơ quan C thì khác gì Chuột sa chĩnh gạo!" (thực tình thì cách ví von ở đây có chút cường điệu vì Chuột ở trong chĩnh gạo thì chỉ có hai việc phải làm thôi. Hai việc đó là gì thì chắc ai cũng biết!).

Chuột cũng là động vật mang các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có thể lây sang người.